Tin trong nước & quốc tế  
Bình Định cần nâng cao dung tích các hồ chứa để cắt lũ cho hạ du

VOV.VN - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, nguyên nhân chủ yếu gây mưa lũ lớn tại tỉnh Bình Định vừa qua là do mưa lớn cộng với triều cường đạt đỉnh và một số chủ hồ chứa chưa thực hiện tốt quy trình vận hành hồ chứa.

Chiều 3/12, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai do ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai dẫn đầu đi kiểm tra thực tế công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và thăm hỏi các gia đình có người chết do mưa lũ tại Bình Định.

Đợt mưa lũ vừa qua tại Bình Định làm 3 người chết, 2 người bị thương, hơn 31.000 ngôi nhà bị ngập nước, hàng trăm ha hoa màu hỏng nặng. Tỉnh Bình Định đang tập trung mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả thiên tai.

Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đã kiểm tra thực tế công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại các huyện Tuy Phước, thị xã An Nhơn và huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Qua kiểm tra, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, nguyên nhân chủ yếu gây mưa lũ lớn tại tỉnh Bình Định vừa qua là do mưa lớn cộng với triều cường đạt đỉnh và một số chủ hồ chứa chưa thực hiện tốt quy trình vận hành hồ chứa. Một số vùng tại Bình Định khó thoát lũ do hệ thống giao thông và sông hồ xuống cấp, năng lực thoát lũ giảm so với thực tế.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị tỉnh Bình Định xem xét lại quy hoạch các khu đô thị, có giải pháp hợp lý đối với các khu dân cư thường xuyên ngập lụt, đồng thời xem lại quy trình vận hành hồ chứa trên địa bàn.

"Giải pháp công trình ở Bình Định chúng tôi chia làm 2 nhóm. Nhóm thứ nhất để cắt lũ triệt để, một số hồ lớn trên địa bàn này Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ bàn với địa phương để nâng cấp. Hồ Định Bình vừa rồi cắt lũ rất tốt nhưng dung tích còn nhỏ, sẽ nâng khoảng 100-150 triệu m3 thì cơ bản cắt được lũ cho hạ du. Nhóm thứ 2 là hồ Núi Một và một số hồ khác, chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu hoặc xây dựng mới cắt lũ cho hạ du. Chúng tôi bàn với địa phương tính toán chỉnh trị các dòng sông, đảm bảo thoát lũ theo thiết kế ở lưu vực, như thế mới đảm bảo bền vững lâu dài”- ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết./.

Theo https://vov.vn/

 
 
Các bài liên quan
 Công điện chỉ đạo cấp bách ứng phó mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất (01/12/2021)
 Hàng chục nghìn nhà bị ngập lụt, Thủ tướng yêu cầu không để người dân đói, rét (01/12/2021)
 Miền Trung, Tây Nguyên đang khẩn trương ứng phó lũ (18/10/2021)
 Nắng nóng gay gắt kéo dài khiến mặn trên hệ thống thủy lợi An Trạch tăng (10/08/2021)
 Lễ ký kết Chương trình phối hợp hoạt động khoa học và công nghệ giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Khoa học và Công nghệ (30/06/2021)