Sách & Ấn phẩm  
Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thủy lợi số 35 năm 2016

TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THỦY LỢI
SỐ 35 

TT

Tên bài báo

Tác giả

Tóm tắt

I

Khoa học công nghệ

 

 

1

CÁC VẤN ĐỀ ĐẶT RA CHO NGHIÊN CỨU TÀI NGUYÊN  NƯỚC MẶT NHẰM GIẢM THIỂU HẠN HÁN VÀ PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG KHU VỰC TÂY NGUYÊN

Nguyễn Vũ Việt

Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Vấn đề thiếu nước vào mùa khô đang là thách thức vô cùng lớn ở Tây Nguyên những năm gần đây, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân trong vùng. Bài báo nêu một số vấn đề về thực trạng quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên nước ở Tây Nguyên, những tồn tại, thách thức. Bên cạnh đó cũng gợi mở một số vấn đề đặt ra cho nghiên cứu khoa học công nghệ phục vụ quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên nước mặt nhằm phát triển bền vững khu vực Tây Nguyên

2

DIỄN BIẾN NGẬP LŨ ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG THEO MỘT SỐ KỊCH BẢN BAO ĐÊ

Tăng Đức Thắng, Vũ Quang Trung, Phạm Văn Giáp, Nguyễn Thanh Hải và Nguyễn Văn Hoạt

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

Trong những năm gần đây, đê bao bờ bao đã được phát triển mạnh mẽ trên Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhằm chủ động hơn cho sản xuất. Việc phát triển đê bao bờ bao triệt để trong thời gian qua không ít trường hợp đã nằm ngoài quy hoạch, và có thể để lại những tác động tiêu cực và chiều hướng này vẫn có thể tiếp tục diễn ra trong tương lai. Bài báo này sẽ khảo cứu chế độ ngập trên Đồng bằng ứng với các phương án (PA) bao đê khác nhau, từ đó rút ra các kết luận phục vụ cho xây dựng định hướng bao đê thích hợp cho tương lai. Một số kết luận quang trọng đáng chú ý là việc bao đê vùng ngập sâu gần Vĩnh Tế, Sở Thượng, Cái Cỏ, Long Khốt cần cân nhắc kỹ do tác động gây gia tăng mực nước đáng kể cho các vùng này và các vùng lân cận.

3

NGHIÊN CỨU THỰC NGHIỆM CHẾ ĐỘ TƯỚI THÍCH HỢP 
CHO CÂY NHO LẤY LÁ BẰNG KỸ THUẬT TƯỚI NHỎ  GIỌT TẠI VÙNG KHAN HIẾM NƯỚC

Trần Thái Hùng, Võ Khắc Trí, Lê Sâm

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

Nghiên cứu thực nghiệm chế độ tưới bằng kỹ thuật tưới nhỏ giọt (có lắp đặt thêm hệ thống tưới phun sương cải tạo vi khí hậu) cho cây nho lấy lá trong 3 mùa vụ với 3 chu kỳ tưới: 2 ngày (CK2), 3 ngày (CK3), và 4 ngày (CK4), tại vùng khan hiếm nước, tỉnh Bình Thuận. Đo đạc các yếu tố khí tượng hàng ngày phục vụ tính toán lượng nước tưới thực nghiệm bằng phương pháp Penman. Sau khi tính được lượng nước tưới ban đầu, thiết lập thêm 2 mức tưới khác: tăng thêm 25% và giảm 25% so với mức tưới ban đầu (các hệ số mức tưới m1(nhiều nước) = 1,25, m2 (mức ban đầu) = 1,0 và m3(ít nước) = 0,75). So với kỹ thuật tưới truyền thống, lượng nước của kỹ thuật tưới tiết kiệm nước CK2 từ 48,70-88,40%, CK3 từ 47,58-87,81%, CK4 từ 40,25-75,31%. Kết quả quan trắc thực nghiện các chỉ tiêu cho thấy: trong cùng một chu kỳ tưới, trọng lượng lá cây các lô có thêm hệ thống tưới phun sương lớn hơn các lô còn lại, các lô có mức nước tưới thấp đạt hiệu quả sử dụng nước cao nhất, tiếp đến là mức tưới trung bình và mức tưới cao. So sánh cùng mức tưới, lá cây các lô CK2 phát triển nhanh, trọng lượng lớn hơn và có thời gian thu hoạch sớm hơn các lô CK3 và CK4. Các lô có lắp đặt thêm hệ thống tưới phun sương đạt hiệu quả sử dụng nước cao hơn các lô tưới nhỏ giọt đơn thuần và lô đối chứng. Thiết lập chế độ tưới nhỏ giọt thích hợp cho cây nho lấy lá với chu kỳ 2ngày và mức tưới thấp, theo các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây, góp phần ứng dụng vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp tại vùng khô hạn một cách hiệu quả.

4

ĐÁNH GIÁ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI, KHUYẾN KHÍCH TRONG LĨNH VỰC CẤP NƯỚC NÔNG THÔN

Nguyễn Tuấn Anh, Đinh Văn Quý

Viện Kinh tế và Quản lý Thuỷ lợi

Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích trong lĩnh vực cấp nước nông thôn tuy nhiên hiệu quả của các chính sách này còn hạn chế. Nguyên nhân chính được cho là do các địa phương không kịp thời hướng dẫn triển khai thực hiện. Tính đến tháng 9/2015, vẫn còn khoảng 75% số tỉnh chưa ban hành các quy định cụ thể ưu đãi, khuyến khích chính sách này. Kết quả phân tích chỉ ra rằng các tỉnh đã triển khai ban hành các hướng dẫn ưu đãi, khuyến khích thì tỷ lệ công trình hoạt động “bền vững” cao hơn 1,13 lần so với các tỉnh chưa triển khai và khu vực tư nhân tham gia nhiều hơn. Bài báo giới thiệu tóm tắt kết quả đánh giá triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi, khuyến khích trong lĩnh vực cấp nước nông thôn và kiến nghị giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

5

TÁC ĐỘNG CỦA VIỆC HẠ THẤP LÒNG SÔNG ĐẾN CHẾ ĐỘ THỦY VĂN VÀ HÌNH THÁI LÒNG DẪN SÔNG HỒNG

Nguyễn Ngọc Quỳnh

Phòng TNTĐ Quốc Gia về động lực học sông biển

Trong những năm gần dây, lòng sông Hồng liên tục bị hạ thấp, hiện tượng này đã dẫn đến các thay đổi đột biến về chế độ thủy văn, thủy lực và hình thái lòng dẫn của sông Hồng. Hệ quả tiếp theo của các thay đổi trên đã gây bất lợi đối với ổn định dòng sông cũng như đến các hoạt động quản lý khai thác dòng sông và  phòng chống thiên tai trên lưu vực sông Hồng.

Tiếp theo một số bài báo trước đây, các kết quả giới thiệu trong bài báo này sẽ cập nhật và bổ uung các kết quả phân tích, nghiên cứu mới về quá trình diễn biến lòng dẫn sông Hồng từ năm 2000 đến nay, đồng thời đánh giá tác động của quá trình này đến sự thay đổi các đăc trưng thủy văn cơ bản và hình thái của sông Hồng.

 

6

TÍNH TOÁN CÂN BẰNG NƯỚC PHỤC VỤ GIẢI PHÁP NỐI MẠNG CHUYỂN NƯỚC LIÊN THÔNG HỆ THỐNG CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TỈNH NINH THUẬN

Nguyễn Đình Vượng, Huỳnh Ngọc Tuyên

Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam

Ninh Thuận là địa phương có nguồn nước mặt vào loại khan hiếm nhất của cả nước, lượng mưa phân bố không đồng đều theo thời gian và không gian (giữa vùng núi và vùng ven biển). Có những vùng thuận lợi để xây dựng hồ chứa, tuy vậy một số vùng lại không có điều kiện để xây hồ, có những vùng thừa nước tưới nhưng cũng có khu vực lại rất khan hiếm nước đặc biệt vào mùa khô. Chính vì vậy việc tính toán cân bằng nước nhằm đề xuất được các biện pháp điều hòa lượng nước giữa các vùng thông qua giải pháp nối mạng chuyển nước liên thông giữa hệ thống các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh là vấn đề rất cấp thiết trong điều kiện hiện nay và thời gian tới, thích ứng với biến đổi khí hậu.

7

NGHIÊN CỨU THỰC NGHIỆM  XÁC ĐỊNH CHẾ ĐỘ DÒNG CHẢY VÀ TÍNH LƯU LƯỢNG THÁO QUA ĐẬP TRÀN THỰC DỤNG CÓ TƯỜNG NGỰC BIÊN CONG

Đỗ Ngọc Ánh,

Viện Thủy điện và Năng lượng Tái tạo

Nguyễn Danh Oanh

Bộ Công thương

Đập tràn thực dụng có tường ngực biên cong được ứng dụng ở các nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam… Tuy vậy các tài liệu tham khảo, hướng dẫn về việc lựa chọn hình dạng, kích thước, kết cấu và tính toán các thông số thuỷ lực của chúng còn rất hạn chế. Bài báo tóm tắt một số kết quả nghiên cứu thực nghiệm mô hình thuỷ lực xác định chế độ dòng chảy và tính khả năng tháo của loại đập này khi làm việc với các mức nước khác nhau, phân tích và so sánh với một số kết quả nghiên cứu của nước ngoài để có thể ứng dụng thực tế. 

8

NGHIÊN CỨU HIỆU QUẢ SUY GIẢM ỨNG SUẤT TẠI ĐÁY MÓNG KHỐI NÊM TRÊN MÔ HÌNH VẬT LÝ

Nguyễn Quốc Dũng, Phùng Vĩnh An, Đỗ Thế Quynh

Viện Thủy công

Móng khối nêm là một dạng móng nông áp dụng cho khối đắp trên đất yếu. Kết cấu móng cấu tạo gồm nhiều khối nêm xếp cạnh nhau, phía trên phủ một lớp vải địa kỹ thuật chịu kéo. Tải trọng khối đắp qua móng khối nêm truyền xuống nền bị suy giảm do cơ chế truyền lực qua mặt vát xiên. Bài báo nghiên cứu sự suy giảm ứng suất tại đáy móng khối nêm trên mô hình vật lý.

9

TÁC ĐỘNG CỦA VẬN HÀNH HỒ CHỨA THƯỢNG NGUỒN VÀ NƯỚC BIỂN DÂNG DO BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU ĐẾN KHẢ NĂNG LẤY NƯỚC CỦA CÁC CÔNG TRÌNH VEN BIỂN BẮC BỘ TRONG MÙA KIỆT

Đào Văn Khương, Nguyễn Mạnh Linh

Phòng thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về Động lực học sông biển

Chế độ vận hành các hồ chứa thượng nguồn hệ thống sông Hồng, biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng có tác động rất lớn đến tình hình nhiễm mặn các sông ven biển Bắc Bộ. Diễn biến mực nước trong mùa kiệt và mức độ nhiễm mặn thay đổi làm ảnh hưởng đến khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi vùng ven biển. Bài báo trình bày đánh giá về khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi ven biển Bắc Bộ trong mùa kiệt dưới tác động của vận hành hồ chứa thượng nguồn và mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu.

10

NGHIÊN CỨU ẢNH HƯỞNG KẾT CẤU CHỐNG ĐỠ TẠM ĐẾN ỨNG SUẤT VỎ HẦM KHI THI CÔNG QUA VÙNG ĐẤT YẾU

Đào Văn Hưng

Trường Đại học Thủy lợi

Đường hầm thủy công là một trong những hạng mục quan trọng của hệ thống công trình thủy lợi, thủy điện. Khi đào hầm gặp phải các đới đá yếu thì bắt buộc phải có kết cấu chống đỡ tạm để hầm không bị sập và công việc đào hầm được an toàn, đảm bảo các điều kiện kỹ thuật. Loại kết cấu chống đỡ tạm này thường là khung chịu lực, chưa đảm nhiệm chức năng giảm độ nhám và cách nước để bảo vệ khối đá xung quanh hầm. Do đó, nghiên cứu ảnh hưởng kết cấu chống đỡ tạm khi đào hầm qua vùng đất yếu đến ứng suất của vỏ hầm là cần thiết để đảm bảo an toàn trong quá trình thi công cũng như vận hành, tiết kiệm chi phí xây dựng công trình.

11

MÔ PHỎNG THÍ NGHIỆM LAN TRUYỀN AMONI NH4 
TRONG CÁC CỘT ĐẤT CÔN SƠN

Nguyễn Thị Minh Trang; Lê Đình Hồng

Đại học Bách Khoa Tp Hồ Chí Minh

Võ Khắc Trí

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

Lan truyền ô nhiễm chất hòa tan trong các tầng chứa nước dưới đất là một trong những vấn đề ô nhiễm thiết thực hiện nay không chỉ tại Việt Nam mà còn tại nhiều quốc gia trên thế giới. Trong bài báo này, với mục tiêu chính là nghiên cứu xác định các thông số lan truyền amoni (NH4+) trong đất và tầng chứa nước dưới đất tại Thung lũng Côn Sơn - Huyện Côn Đảo, các thí nghiệm lan truyền với chất chỉ thị trơ natri clorua và dung dịch amoni clorua đã được tiến hành trên các ống cột đất Côn Sơn. Các thông số lan truyền được ước tính bằng sự hỗ trợ của phần mềm Hydrus 1D dựa trên thuật toán ước tính ngược thông số Levenberg-Marquardt. Kết quả các thí nghiệm cho thấy, các hệ số phân tán, hệ số phân vùng và hệ số chuyển đổi chất đặc trưng cho quá trình lan truyền amoni trong dung dịch đất Côn Sơn đều tương thích với đặc tính cơ lý của đất cũng như thành phần hạt trong tầng chứa nước dưới đất của Thung lũng Côn Sơn.

12

ĐÁNH GIÁ XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ MƯA CỰC HẠN CHO LƯU VỰC VU GIA THU BỒN

Dương Quốc Huy

Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều nghiên cứu, công trình sản xuất tính toán và sử dụng giá trị mưa cực hạn như một giá trị phục vụ thiết kế hoặc kiểm tra mức độ an toàn của công trình, đặc biệt là các công trình có sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Nhìn chung, các phương pháp tính toán lượng mưa cực hạn đến nay đã khá hoàn chỉnh với nhiều phương pháp từ đơn giản đến phức tạp. Tuy nhiên, việc phân chia hay nghiên cứu ứng dụng phương pháp nào là phù hợp cho một vùng địa lý, khí hậu xác định là chưa có nhiều, đặc biệt là đối với các vùng khí hậu nhiệt đới. Bài báo tập trung vào việc tính toán, phân tích kết quả PMP bằng hai phương pháp cực đại hóa và thống kê cho lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn, từ đó có những khuyến cáo sử dụng phương pháp tính toán PMP phù hợp cho các vùng khí hậu nhiệt đới có điều kiện số liệu khó khăn.

13

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SINH HỌC TĂNG CƯỜNG KHẢ NĂNG ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU CHO CƠ SỞ HẠ TẦNG NÔNG THÔN

Nguyễn Đình Ninh

Hội Thủy lợi

Nguyễn Gia Vượng

Chuyên gia kỹ thuật

Cơ sở hạ tầng nông thôn thường bị tác động bởi tình trạng sạt lở. Dự báo các hiện tượng cực đoan khí hậu ngày càng gia tăng do biến đổi khí hậu, tình trạng sạt lở sẽ trở nên nghiêm trọng hơn đòi hỏi phải có những giải pháp hợp lý về kỹ thuật và kinh tế. Ứng dụng công nghệ sinh học bảo vệ mái dốc khỏi sạt trượt, xói lở bề mặt, nâng cao khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng đối với tác động của biến đổi khí hậu là giải pháp nhiều hiệu quả. Không chỉ chi phí thấp, công nghệ sinh học còn tăng cường đa dạng sinh học, có thể tăng sinh kế cho người dân, dễ thực hiện, thi công nhanh và đặc biệt là cộng đồng địa phương có thể tự duy trì bảo dưỡng.

14

NGHIÊN CỨU TÍNH MỰC NƯỚC VÀ VẬN TỐC DÒNG CHẢY QUA ĐẬP TRÀN THỰC DỤNG CÓ TƯỜNG NGỰC BIÊN CONG

Đỗ Ngọc Ánh

Viện Thủy điện và Năng lượng Tái tạo

Nguyễn Danh Oanh

Bộ Công thương

Khi cột nước tác dụng lên đỉnh đập tràn lớn, để giảm bớt chiều cao của cửa van, đập tràn có thể được thiết kế thêm tường ngực. Chế độ dòng chảy qua tràn có tường ngực có thể là dòng tự do (không áp) có mặt thoáng, khi mức nước thượng lưu thấp và mở hết của van; khi tăng mức nước thượng lưu lớn hơn, dòng chảy qua đập là chảy có áp dưới tường ngực, đường mặt nước ngập lỗ dưới tường ngực, sau tường ngực là dòng chảy tự do. Việc xác định các thông số thuỷ lực trong trường hợp dòng chảy có áp như đường mặt nước, khả năng tháo, vận tốc và áp suất gặp khó khăn hơn so với trường hợp dòng chảy tự do. Bài báo này tóm tắt một số kết quả nghiên cứu xây dựng phương pháp xác định đường mặt nước và tính vận tốc dòng chảy qua đập tràn có tường ngực khi chảy có áp, kết quả nghiên cứu lý thuyết được so sánh với một số kết quả nghiên cứu thực nghiệm và đề xuất áp dụng thực tế.

 

 

 

 
 
Các bài liên quan
 Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thủy lợi số 34 năm 2016 (13/10/2017)
 Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thủy lợi số 33 năm 2016 (13/10/2017)
 Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thủy lợi số 32 năm 2016 (13/10/2017)
 Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thủy lợi số 31 năm 2016 (13/10/2017)
 Danh mục sách Thư viện (26/12/2014)